Đại hội VI Công đoàn NN-PTNT Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng của cán bộ đoàn viên và công chức, viên chức, lao động (CNVCLĐ) của ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác Công đoàn NN-PTNT Việt Nam năm 2022. Ảnh: Mai Hương

Đại hội có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội V Công đoàn NN-PTNT Việt Nam; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2023-2028. Bầu Ban Chấp hành Công đoàn NN-PTNT khóa VI và bầu đại biểu đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; góp ý các văn kiện trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Đại hội diễn ra 2 ngày, từ 8-9/10 tại Hà Nội với phương châm "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển".

Nhiệm kỳ biến động, Công đoàn vượt khó

Nghị quyết Đại hội V (nhiệm kỳ 2018-2023) được triển khai trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp, khó dự báo. Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan; giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; xung đột vũ trang giữa các nước lớn; kinh tế thế giới chậm hồi phục. Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu,… ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của đội ngũ CNVCLĐ.

Chính sách đối với người bảo vệ rừng, lao động ở nơi khó khăn, nguy hiểm, độc hại, vùng sâu, vùng xa chưa được bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Trong các nông, lâm trường thực hiện cơ chế khoán, người lao động hưởng lương theo mức khoán nên thu nhập thấp hơn. Lao động nhận khoán sản phẩm chưa thực hiện tốt chế độ nâng lương thường xuyên để tham gia bảo hiểm xã hội.

Đại hội Công đoàn NN-PTNT Việt Nam lần thứ VI diễn ra 2 ngày, từ 8-9/10 tại Hà Nội với phương châm "Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển".

Bên cạnh đó, lao động ở nhiều đơn vị (nông, lâm trường, khai thác thủy sản, khảo sát địa hình, xây dựng công trình, chế biến thuỷ sản…) làm việc trong điều kiện khó khăn, nặng nhọc, môi trường độc hại. Vì vậy, nhiều lao động có xu hướng tìm kiếm việc làm mới tốt hơn và thu nhập cao hơn.

Khó khăn là vậy, nhưng ngành NN-PTNT những năm qua vẫn đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội. Xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã đóng góp đáng kể và là ngành duy nhất liên tục duy trì xuất siêu.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2021 (48,6 tỷ USD); thặng dư thương mại ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) bình quân của ngành đạt trên 2,6%. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 13 thế giới.

Những con số trên là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, chủ động vượt qua khó khăn của cán bộ, lao động NN-PTNT. Nhiệm kỳ qua, đội ngũ của ngành giữ vững vai trò cầu nối giữa nông dân, doanh nghiệp, địa phương, Nhà nước, Chính phủ, qua đó đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Là nòng cốt cho sự đổi mới cơ cấu của ngành, đội ngũ cán bộ NN-PTNT ngày càng chất lượng, giàu kinh nghiệm. Lao động của ngành đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ trong các ngành sản xuất ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ thuộc khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giảm dần trong khu vực kinh tế Nhà nước.

Hiểu được khó khăn của đội ngũ CNVCLĐ, Công đoàn nhiều đơn vị đã xây dựng cơ chế chi trả tiến bộ, hỗ trợ tăng hệ số lương. Hầu hết các đơn vị trong ngành đều kịp thời chi trả chế độ làm thêm giờ, hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, bồi dưỡng công việc độc hại, nặng nhọc. Do đó, đời sống của người lao động được quan tâm, có bước cải thiện

Những kết quả thiết thực

Nghị quyết Đại hội lần thứ V Công đoàn NN-PTNT đề ra 7 nhóm chỉ tiêu chính, xây dựng và thực hiện 6 chương trình trọng tâm, đạt nhiều kết quả thiết thực.

Nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đoàn viên được chú trọng.

Phong trào “Học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ” mỗi năm có gần 3.000 lượt CNVCLĐ được nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị, khoa học kỹ thuật. Hoạt động “Tháng Công nhân” gắn với “Tháng An toàn vệ sinh lao động” tổ chức thăm hỏi gần 10.000 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 6 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến nay, các công đoàn cơ sở đã giới thiệu hơn 3.000 đoàn viên, trong đó số đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam là gần 2.500 đoàn viên, tỷ lệ đoàn viên ngoài khu vực Nhà nước chiếm 30%.

Trao khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Chương trình 1 triệu sáng kiến. Ảnh: Mai Hương.

Tính đến tháng 6/2023, toàn ngành có gần 7.000 sáng kiến thi đua cập nhật, đạt tỷ lệ 125% so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao. Phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Văn hóa, thể thao” tiếp tục được triển khai.

Hoạt động nữ công tiếp tục được đổi mới. 5 năm qua, toàn ngành có trên 85% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp. Nhiều tập thể, cá nhân nữ được khen thưởng, phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và các giải thưởng cao quý.

Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của được tăng cường, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới. Công đoàn NN-PTNT đã tích cực duy trì, mở rộng hợp tác với các tổ chức công đoàn quốc tế thông qua các hình thức trao đổi đoàn, tham gia 7 hội thảo tập huấn, tọa đàm, hội nghị.

Quản lý tài chính, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện đã có sự điều chỉnh linh hoạt, thích ứng với những thay đổi thực tiễn, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 tác động kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của người lao động.

Tính đến nay đã có 6/7 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn NN-PTNT Việt Nam lần thứ V đề ra đã được thực hiện. Riêng chỉ tiêu phát triển đoàn viên chưa đạt do nhiều đoàn viên nghỉ hưu, thôi việc, mất việc, sắp xếp lại các mô hình hoạt động tại các doanh nghiệp, giảm đơn hàng...

Nhiệm vụ thích ứng, cập nhật xu hướng toàn cầu

Dự báo 5 năm tới, mô hình tăng trưởng kinh tế sẽ thay đổi mạnh mẽ, trong đó kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng. Việt Nam sẽ hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với đó thực thi các công ước về bảo vệ quyền người lao động.

Bên cạnh đó, nền kinh tế trong nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chịu tác động tiêu cực từ biến động kinh tế - xã hội thế giới, các vấn đề xung đột toàn cầu.

Do đó, cơ cấu lao động toàn ngành cần thay đổi mạnh mẽ, chuyển dịch theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng tiến bộ khoa học và đổi mới sáng tạo.

Ăn trưa tại Công ty Cơ khí điện thủy lợi thuộc Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng - CTCP. Ảnh: Mai Hương.

Theo cùng xu hướng thế giới, ngành NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn, đa mục tiêu. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường. Việc thực hiện các hiệp định thương mại toàn cầu để mở thị trường cho nông sản Việt Nam như VPA/FLEGT, EVFTA, CPTPP...

Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Công đoàn các cấp cần tập trung đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là chuyển đổi số; xây dựng đội ngũ cán bộ có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, trọng tâm là đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc.

Chỉ tiêu phấn đấu nhiệm kỳ 2023-2028

Công đoàn NN-PTNT xác định 7 chỉ tiêu phấn đấu thực hiện trong nhiệm kỳ 2023-2028. Đầu tiên là phấn đấu phát triển thêm 3.000 đoàn viên mới.

Ít nhất 90% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể.

Ít nhất 90% công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động ban hành, triển khai thực hiện quy chế dân chủ;

100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức Hội nghị CNVCLĐ; 100% Doanh nghiệp Nhà nước tổ chức Hội nghị NLĐ; ít nhất 70% trở lên doanh nghiệp ngoài Nhà nước tổ chức Hội nghị NLĐ.

100% công đoàn các đơn vị tổ chức tập huấn, truyền thông về công tác nữ công, bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em cho cán bộ công đoàn và nữ CNVCLĐ. 100% các đơn vị phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp đúng tiến độ; ít nhất 10% công đoàn cơ sở doanh nghiệp được công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát tài chính.

Ít nhất 80% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; ít nhất 80% công đoàn cơ sở khu vực Nhà nước và 65% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 nongnghiep.vn